11/22/2024 | Press release | Distributed by Public on 11/21/2024 20:48
Mưa lũ do hoàn lưu cơn bão số 3 (Yagi) vào tháng 9/2024 ảnh hưởng nặng nề đến hạ tầng giao thông và điều kiện an toàn của các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đến nay, du lịch của tỉnh đã và đang khôi phục hiệu quả các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, thu hút và đón khách trở lại.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trong 9 tháng năm 2024, tổng lượt khách du lịch trên 1.508.700 lượt, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 68,6% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế 33.175 lượt, tăng 49,8% so với cùng kỳ, đạt 33,2% kế hoạch; khách nội địa 1.475.566 lượt, tăng 0,5% so với cùng kỳ, đạt 70,3% kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.160 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ, đạt 77,3% kế hoạch; công suất sử dụng phòng đạt 47,7%. Đó là những tín hiệu lạc quan cho thấy sức hút của miền Non nước Cao Bằng đối với du khách, đặc biệt sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Khu du lịch thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) nhanh chóng phục hồi, đón khách trở lại ngay sau bão số 3
Tuy nhiên, bước vào tháng 9, thời điểm Cao Bằng vào mùa đẹp nhất, khi du lịch đang trên đà phát triển, nhiều hoạt động, sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn được ngành du lịch triển khai, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội được xây dựng công phu để thu hút du khách vào những tháng cuối năm 2024 thì sự tàn phá của hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng mọi mặt, giao thông bị chia cắt, các cơ sở lưu trú và các hoạt động du lịch phải tạm ngưng. Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh hầu hết bị ảnh hưởng, nhiều homestay bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất; các công trình di tích lịch sử bị sụt lún có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Lượng khách đặt tour, đặt phòng trong tháng 9 đều hủy và hoãn khách, doanh thu giảm khoảng 50% so với tháng 8. Trong tháng 9, Cao Bằng chỉ đón trên 104.800 lượt khách du lịch, giảm 51% so với tháng 8, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế giảm 39,2%, khách du lịch nội địa giảm 51,4% so với tháng 8. Tổng thu du lịch đạt 85 tỷ đồng, giảm 52% so với tháng 8, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2023; công suất sử dụng phòng chỉ đạt 25%. Thiệt hại về cơ sở vật chất đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ngành VHTTDL, du lịch Cao Bằng đã chịu tổn thất nặng nề do hoàn lưu cơn bão số 3, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ tiêu phấn đấu của ngành du lịch địa phương. Ước tính cả năm 2024 lượng khách đến du lịch khoảng 2 triệu lượt, như vậy không thể đạt được 2,2 triệu lượt khách như mục tiêu ban đầu đưa ra.
Phục hồi, giữ sức hút về điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn
Giám đốc Sở VHTTDL Sầm Việt An cho biết: Khắc phục những khó khăn bộn bề từ thiên tai tác động đến du lịch của tỉnh, ngay sau bão, các địa phương, đơn vị quản lý các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhanh chóng kiểm tra tổng thể cơ sở vật chất, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, sẵn sàng mọi điều kiện tổ chức, đưa sản phẩm du lịch phục vụ du khách nhằm phục hồi hoạt động du lịch trở lại bình thường.
Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh khẩn trương phối hợp kiểm tra lại hệ thống đường, cây xanh, tập trung khắc phục sạt lở tại các điểm di tích; đảm bảo an toàn cho du khách tiếp tục tham quan, trải nghiệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950... Khu du lịch sinh thái Kolia nằm trong Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Ðén (Nguyên Bình), thuộc tuyến phía Tây của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Giám đốc Công ty TNHH Kolia Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ: Mùa thu là thời điểm đẹp nhất thu hút du khách, thế nhưng ảnh hưởng cơn bão số 3 dẫn tới lượng khách sụt giảm sâu. Để khắc phục thiệt hại, khôi phục và tiếp tục thu hút khách du lịch đến với Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, đến Kolia, chúng tôi tập trung xây dựng chiến lược và chiến dịch quảng bá khác biệt như: tạo ra những sản phẩm dịch vụ độc đáo, chú trọng khai thác những nét văn hóa nghề truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số riêng có ở nơi đây, đưa các sản phẩm đặc hữu trở thành những sản phẩm du lịch đặc biệt và khác biệt; tạo các tour trải nghiệm cảnh quan tìm hiểu nét văn hóa các bản làng dưới chân núi Vườn Quốc gia nhằm thu hút khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, kết nối tổ chức các hoạt động du lịch kết hợp thiện nguyện, mang đến cho du khách những trải nghiệm ý nghĩa, ấn tượng.
Đến du lịch Cao Bằng sau khi đã tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến tour du lịch và các điều kiện giao thông của tỉnh, chị Trần Kim Anh, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tôi đến Cao Bằng lần thứ 2 rồi và thấy rất tuyệt vời. Những ảnh hưởng thiên tai tại tỉnh không thay đổi quyết định lựa chọn điểm đến của tôi và bạn bè. Tôi cho rằng đến Cao Bằng du lịch sau bão lũ cũng là một cách để chúng ta ủng hộ người dân nơi đây vượt qua khó khăn, sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Hội thi Sáng tạo ẩm thực du lịch "Món ngon miền non nước" góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa ẩm thực, con người Cao Bằng đến đông đảo du khách. Ảnh: Thế Vĩnh
Ngoài những thiệt hại dễ thấy về cơ sở, hạ tầng dịch vụ, ngành du lịch tỉnh chịu nhiều thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ, du khách có tâm lý lo ngại khi đi du lịch tại khu vực các tỉnh miền núi bị ảnh hưởng do bão lũ. Để phục hồi và kích cầu hoạt động du lịch thu hút khách du lịch đến với Cao Bằng sau hậu quả của bão lũ, Sở VHTTDL tham mưu triển khai hiệu quả Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, đối với hoạt động du lịch, cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6/2025. Chỉ đạo Hiệp hội Du lịch tỉnh và các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa ra các chương trình khuyến mại, gói sản phẩm mới, tặng voucher giảm giá hoặc miễn phí sử dụng một số dịch vụ của cơ sở. Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch trong những tháng cuối năm với nhiều hoạt động nổi bật: tham dự Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch vùng Đông Bắc tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn từ ngày 02 - 04/11/2024; tổ chức thành công Hội thi Sáng tạo ẩm thực du lịch "Món ngon miền non nước" tỉnh ngày 09/11/2024; tham gia Liên hoan hát Then, đàn tính toàn quốc...
Thời gian tới, Sở phối hợp Bộ VHTTDL tổ chức triển lãm "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng" tại tỉnh, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12; phối hợp với Cục Điện ảnh tổ chức Tuần phim kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) tại tỉnh; Giải đua xe đạp Cao Bằng mở rộng năm 2024…; triển khai hiệu quả việc đón khách vào tham quan khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Tích cực truyền thông, đa dạng hóa các hình thức quảng bá, kết nối du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt đẩy mạnh quảng bá thông qua các website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook...) về hình ảnh du lịch tỉnh an toàn, sẵn sàng cơ sở vật chất, dịch vụ, sản phẩm tốt nhất đón tiếp du khách và hình ảnh Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Với những nỗ lực, quyết tâm cao trong xúc tiến, kết nối quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh, trong tháng 10 và đầu tháng 11, lượng khách đã tăng trở lại; dự đoán tiếp tục tăng cao khi vào mùa cao điểm khách quốc tế. Đây là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ du lịch của tỉnh; tiếp đà để giữ sức hút du khách đến với miền Non nước Cao Bằng - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Năm 2024, Cao Bằng phấn đấu thu hút 2.200.000 lượt khách (khách quốc tế 100.000 lượt, khách nội địa 2.100.000 lượt), doanh thu từ du lịch 1.500 tỷ đồng. Toàn tỉnh có trên 300 cơ sở lưu trú du lịch với 3.804 phòng, trong đó có 1 cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ đáp ứng tiêu chuẩn 5 sao, 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 88 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 và 2 sao; còn lại là các nhà nghỉ, homestay đạt tiêu chuẩn. |
Theo Báo Cao Bằng