Ministry of Planning and Investment of the Socialist Republic of Vietnam

10/18/2024 | Press release | Archived content

Diễn đàn đa phương năm 2024

(MPI) - Diễn đàn đa phương năm 2024 với chủ đề "Phát triển con người và công nghệ: Hướng tới một xã hội bao trùm số tại Việt Nam" (MSF 2024) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung Việt Nam tổ chức đã được diễn ra vào chiều ngày 18/10/2024. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Tham dự Diễn đàn có ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cùng đại diện cho các cơ quan chính phủ, bộ, ngành, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, trường đại học, công đoàn, cùng các chuyên gia.

Diễn đàn Đa phương (MSF) là sáng kiến do Samsung Việt Nam khởi xướng nhằm tạo ra một nền tảng đối thoại đa phương giữa các bên liên quan trong và ngoài nước về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay, MSF đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn đại biểu và chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ, kinh tế, giáo dục và quản lý công, cùng chung tay hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn tập trung vào việc xây dựng một tương lai số bao trùm cho mọi người dân, đặc biệt là những nhóm người yếu thế và kém may mắn trong xã hội, để đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau" trong bối cảnh chuyển đổi số.

Đồng thời cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án để thúc đẩy chuyển đổi số, đảm bảo phát triển bền vững, công bằng.

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ đô la Mỹ).

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số: đến năm 2030, sẽ phổ cập kỹ năng số cho mọi tầng lớp trong xã hội, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70% là một thách thức rất lớn; đặc biệt, đối với đối với những nhóm dễ bị tổn thương.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ tin tưởng rằng Diễn đàn sẽ góp phần mang đến một cái nhìn toàn diện về bao trùm số; thông qua Diễn đàn, các tổ chức, cá nhân sẽ thêm động lực cùng nhau hợp tác để xây dựng một tương lai số bao trùm, hướng tới hỗ trợ những người yếu thế và dễ bị tụt hậu về kỹ năng số trong xã hội.

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao chủ đề của diễn đàn năm 2024. Đồng thời cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đoàn viên, người lao động tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình chuyển đổi số, thực sự là lực lượng nòng cốt của của doanh nghiệp, đất nước trong hoạt động đổi mới sáng tạo, trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng hiện thực "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, của Trung ương, tổ chức Công đoàn Việt Nam cùng toàn thể người lao động nhận thức sâu sắc trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia và đóng góp của mình trong việc tham gia xây dựng pháp luật, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số cho người lao động; nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ số cho người lao động; khuyến khích sự đổi mới sáng tạo và hợp tác của người lao động dựa vào công nghệ số tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn…

Đồng thời khẳng định, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp để xây dựng Con người và Công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số nhằm thúc đẩy tầm nhìn bao trùm số: Một Việt Nam số hóa, nơi công nghệ phục vụ cuộc sống của mọi người, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam với một tầm nhìn năng động và sáng tạo, đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội để vươn mình trở thành một quốc gia số hàng đầu; đồng thời đánh giá, chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam tập trung vào ba trụ cột chính là kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số, hứa hẹn sẽ thay đổi nhiều khía cạnh của quốc gia.

Ông Choi Joo Ho cho rằng, chuyển đổi số chỉ thực sự mang lại tiến bộ cho xã hội khi mọi người, đặc biệt là những cộng đồng dễ bị tổn thương, có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ tiên tiến; khẳng định, Samsung luôn ủng hộ những nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng, công bằng và bền vững. "Chúng ta hãy cùng nhau tạo nên một tương lai số bao trùm, bền vững, lấy con người làm trọng tâm", ông Choi Joo Ho phát biểu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra phiên thảo luận cấp cao với sự tham gia của các chuyên gia từ cơ quan hoạch định chính sách, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, giới học thuật và doanh nghiệp. Tại đây, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về cách thúc đẩy bao trùm số thông qua phát triển con người và công nghệ như việc nhận diện các thách thức và khai mở cơ hội nhằm xây dựng một xã hội số bao trùm, nơi mọi người, đặc biệt là các nhóm yếu thế, có thể tiếp cận và tận dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đồng thời thảo luận về sự quan điểm toàn cầu và quốc gia về chuyển đổi số tại Việt Nam, tác động của AI và các công nghệ mới trong giáo dục, y tế, sinh kế, tối ưu hóa sức mạnh và cơ hội cho mỗi cá nhân trong việc giải quyết các thách thức từ các hình thức loại trừ mới trong chuyển đổi số và vai trò của hợp tác đa bên trong việc phát triển các giải pháp công nghệ bao trùm cho những nhóm dễ bị tổn thương.

Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận những giải pháp thực tiễn về cách công nghệ trao quyền cho cộng đồng, giúp mọi người cùng hưởng lợi từ sự phát triển công nghệ; cách doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội tại Việt Nam thông qua các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), tập trung vào việc trao quyền và truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai, giúp họ biết cách khai thác và làm chủ công nghệ vì sự phát triển bền vững và phụng sự cộng đồng.

Điểm nhấn quan trọng của Diễn đàn MSF 2024 là sự ra mắt Sáng kiến Công nghệ Bao trùm (Inclusive Tech Initiative) do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng, với sự đồng hành của Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Sáng kiến này thể hiện tinh thần phụng sự xã hội, với phương châm công nghệ không chỉ phục vụ sự tiến bộ của một số ít mà còn mang lại giá trị cho cả cộng đồng. Mục tiêu chính là tạo cầu nối giữa những người sáng tạo công nghệ và các nhóm yếu thế, giúp họ hòa nhập và phát triển, từ đó thúc đẩy một xã hội công bằng và bền vững thông qua các giải pháp sáng tạo.

Nền tảng chính của Sáng kiến là một trang web chuyên dụng, được thiết kế như một không gian hợp tác và chia sẻ tri thức giữa các bên liên quan. Đây sẽ là nơi hội tụ của những cá nhân, tổ chức có tâm huyết với công nghệ bao trùm, cùng nhau thúc đẩy đổi mới và phát triển vì lợi ích xã hội.

Trong khuôn khổ Sáng kiến, Giải thưởng "InclusiveTech for Social Innovation - Công nghệ Bao trùm vì lợi ích xã hội" được trao nhằm tôn vinh những tổ chức và cá nhân xuất sắc.

Giải thưởng này nhằm khuyến khích và lan tỏa những giải pháp công nghệ hòa nhập, thúc đẩy học hỏi và hợp tác, đồng thời góp phần đạt được các mục tiêu xã hội mà Sáng kiến hướng tới.

Tại MSF 2024, lần đầu tiên Giải thưởng "InclusiveTech for Social Innovation" đã vinh danh 15 sáng kiến xuất sắc. Các sáng kiến này đã khai thác công nghệ để thu hẹp khoảng cách số, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận công nghệ cho các nhóm yếu thế và dễ tổn thương trong nhiều lĩnh vực. Những dự án nổi bật đã mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ rộng rãi hơn, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và hòa nhập.

Thông qua việc kết nối với mạng lưới chuyên gia trong cáclĩnh vực, Diễn đàn cung cấp nhiều góc nhìn mới và các cách tiếp cận hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho tổ chức và doanh nghiệp trong một xã hội nơi công nghệ và con người phát triển hài hòa; đồng thời, cung cấp nhiều thông tin và đánh giá khách quan về mối quan hệ giữa con người và công nghệ trong bối cảnh xây dựng một xã hội bao trùm số tại Việt Nam./.

Tùng Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư