Ministry of Planning and Investment of the Socialist Republic of Vietnam

01/07/2024 | Press release | Archived content

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án liên Vùng và các giải pháp ứng phó để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(MPI) - Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiều ngày 01/7/2024, tại tỉnh Cà Mau đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Hội nhằm triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành; tình hình triển khai Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cơ chế, chính sách đặc thù Vùng gắn với các đặc điểm tự nhiên; tiến độ triển khai một số dự án liên Vùng và các giải pháp ứng phó để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu, thực hiện xu thế phát triển mới như phát triển xanh, phát triển năng lượng tái tạo; huy động nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt, chưa đạt, đặc biệt là trong việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; rút ra bài học kinh nghiệm, các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, trong có các dự án hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển; các dự án đường cắt ngang, liên kết giữa các địa phương; dự án thủy lợi, liên kết sản xuất nhằm thích ứng với biển đổi khí hậu. Về các cơ chế, chính sách đặc thù phải gắn với tiềm năng, lợi thế, đặc thù tự nhiên để khai thác tốt.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, qua 02 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh; thiên tai, sạt lở diễn biến phức tạp nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng có nhiều kết quả khả quan.

Về cơ bản, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần vào bảo đảm an ninh lương thực; Công tác điều phối, liên kết vùng dần nhịp nhàng, phát huy hiệu quả; Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; Công tác an sinh xã hội được quan tâm đầy đủ.

Về triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng cho biết, qua 02 năm thực hiện Quy hoạch Vùng, các bộ, ngành đã tích cực chủ động phối hợp với các địa phương liên quan để triển khai thực hiện; Lãnh đạo các địa phương đã kịp thời chỉ đạo, đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, vận hội mới nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng, từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới toàn vùng.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương đã tập trung thảo luận về các nhiệm vụ đã giao trong năm 2023; Góp ý cho các cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đây là các nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian triển khai trong năm tiếp theo; về triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các nhiệm vụ đã giao tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 816/QĐ-TTg ngày 07/7/2023.

Đồng thời thảo luận về các dự án quan trọng, liên kết vùng nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đã triển khai, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về các giải pháp ứng phó với thách thức về sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công, trong đó có các hoạt động khai thác ở phía thượng nguồn sẽ tác động tới cộng đồng dân cư ở hạ lưu vốn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, đồng thời làm cạn kiệt mực nước của sông Tiền và sông Hậu, dẫn tới thiếu nước ngọt và nước sinh hoạt trong tương lai đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó mỗi địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng các kịch bản, giải pháp chủ động ứng phó cho riêng địa phương mình và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có tính liên vùng, liên quốc gia; đồng thời cần ưu tiên nguồn lực từ NSNN để xây dựng đầu tư các dự án bảo vệ vùng nước ngọt, các dự án đảm bảo an ninh nguồn nước, công trình cấp nước,…

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các công trình tích hợp; thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và nước biển dâng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ và đạt được các kết quả nhất định. Hướng tuyến và các giải pháp công trình đều đảm bảo tối đa tới hành lang thoát lũ trong Vùng cũng như kết hợp hài hòa, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều; tận dụng địa hình sông nước để phát huy lợi của vận tải thủy, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa; đầu tư nâng cấp các cảng hàng không trong vùng.

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng vẫn cần tiếp tục nâng cấp, cải tạo để tăng cường với khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Về phía các địa phương trong Vùng, các ý kiến cũng bày tỏ thống nhất với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời làm rõ một số vấn đề liên quan đến thách thức về an ninh nguồn nước, các giải pháp ứng phó với các hoạt động chia sẻ nguồn nước tại thượng nguồn; tình hình xây dựng hệ thống ngăn mặn trữ ngọt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, các giải pháp và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới; phát triển hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh nghiệm xây dựng cống ngăn mặn kết hợp giao thông tại các cửa sông lớn; tình hình triển khai thực hiện dự án hệ thống cống đập, các giải pháp công trình và phi công trình để hạn chế xâm nhập mặn;…

Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, đồng bằng sông Cửu Long là vùng có diện tích rộng lớn; có lợi thế phát triển về nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, thời gian qua, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng, vùng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước thực trạng đó, Nghị quyết 120 của Chính phủ được ban hành với các chính sách kịp thời, đưa ra các đột phá về tư duy, định hướng chiến lược và khát vọng về vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo hướng bền vững, an toàn, thịnh vượng; đưa ra các giải pháp về công trình, đa mục tiêu, hạn chế tác động bất lợi của biến đổi khí hậu là một trong những định hướng chiến lược.

Đồng thời cho biết, công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé tỉnh Kiên Giang trong công tác điều tiết việc trữ ngọt, ngăn mặn, là công trình có quy mô lớn không chỉ trong nước mà so với vùng Đông Nam Á. Sau hơn hai năm vận hành công trình đã mang lại những hiệu quả to lớn đối với tỉnh nói riêng và vùng nói chung, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất theo tinh thần thuận thiên, chủ động thích ứng.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức mà tỉnh Cà Mau phải đối mặt trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây hạn hán, xâm nhập mặn; sụt lún lộ giao thông; sạt lở đất bờ sông, bờ biển; thiếu nước ngọt sinh hoạt; thiếu cát phục vụ đầu tư xây dựng các công trình, dự án… Đồng thời kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, có cơ chế đặc thù về suất đầu tư đối với các dự án, công trình vùng bán đảo Cà Mau; xem xét, sớm hỗ trợ nguồn vốn cho tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; cần có cơ chế chính sách để tỉnh Cà Mau huy động xã hội hóa xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh./.

Tùng Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư